Phòng công chứng
Căn cứ: điều 19, 20 Luật công chứng 2014
- Phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
- Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.
Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp. Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
- Tên gọi của Phòng công chứng bao gồm cụm từ “Phòng công chứng” kèm theo số thứ tự thành lập và tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Phòng công chứng được thành lập.
VD: Từ ngày đầu thành lập, Phòng có tên là “Phòng Công chứng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh” thuộc Thành phố. Đến năm 1997, Phòng được chuyển thành “Phòng Công chứng Nhà nước số 1” thuộc Sở Tư pháp và đến năm 2001 được đổi tên thành “Phòng Công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh”.
- Phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
THÀNH LẬP PHÒNG CÔNG CHỨNG
- Căn cứ vào nhu cầu công chứng tại địa phương, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ xây dựng đề án thành lập Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Đề án nêu rõ sự cần thiết thành lập Phòng công chứng, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập Phòng công chứng, Sở Tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi có trụ sở của Phòng công chứng trong ba số liên tiếp về các nội dung sau đây:
- a) Tên gọi, địa chỉ trụ sở của Phòng công chứng;
- b) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định thành lập và ngày bắt đầu hoạt động của Phòng công chứng.
VD:
Tên Văn phòng: VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG NGUYỄN NGUYỆT HUỆ
- Trụ sở: 156 Đường Phạm Văn ChíPhường 4, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh
- Quyết định thành lập số: 4070/QĐ-UBND của UBND Tp.Hồ Chí Minh ngày 29/07/201
Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ trụ sở của Phòng công chứng thì Sở Tư pháp phải đăng báo những nội dung thay đổi đó theo quy định tại khoản 2 Điều này.
CHUYỂN ĐỔI, GIẢI THỂ PHÒNG CÔNG CHỨNG
- Trong trường hợp không cần thiết duy trì Phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.
Căn cứ Luật công chứng năm 2014, Chính phủ đã quy định chi tiết việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng tại Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, cụ thể:
a) Điều kiện chuyển đổi (Điều 5 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP):
– Các địa bàn cấp huyện đã thành lập đủ số tổ chức hành nghề công chứng theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và số lượng Văn phòng công chứng nhiều hơn số lượng các Phòng công chứng.
– Các địa bàn cấp huyện chưa thành lập đủ số tổ chức hành nghề công chứng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng có ít nhất 02 Văn phòng công chứng đã hoạt động ổn định từ 02 năm trở lên, kể từ ngày đăng ký hoạt động.
b) Kế hoạch chuyển đổi (Điều 6 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP):
– Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 05 Phòng công chứng trở lên thì Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch chuyển đổi các Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
– Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dưới 05 Phòng công chứng thì không cần thiết phải xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mà xây dựng ngay Đề án chuyển đổi từng Phòng công chứng.
c) Phương thức chuyển đổi (Điều 8 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP):
Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định 02 phương thức chuyển đổi:
– Quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được chuyển giao cho chính các công chứng viên đang làm việc tại Phòng công chứng theo giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, hoặc
– Quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được tổ chức đấu giá trong trường hợp có giá trị lớn và có nhiều công chứng viên khác đang hành nghề trên địa bàn đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền nhận chuyển đổi.
- Trường hợp không có khả năng chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Phòng công chứng chỉ được giải thể sau khi thanh toán xong các khoản nợ, làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, thực hiện xong các yêu cầu công chứng đã tiếp nhận.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định giải thể Phòng công chứng, Sở Tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi có trụ sở của Phòng công chứng trong ba số liên tiếp về việc giải thể Phòng công chứng.
Tham khảo: Sở Tư pháp tỉnh Thừa thiên Huế, Luật Công chứng 2014