XÁC MINH SỔ ĐỎ

1. Xác minh sổ đỏ ở đâu?

Theo điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, để xác minh thông tin về sổ đỏ của cá nhân là thật hay là giả, cá nhân có thể đến cơ quan cấp giấy chứng nhận – đã được ghi trong sổ đỏ:

Loại 1: Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Loại 2: Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai:

  • Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
  • UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Dựa theo thông tin nơi cấp được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn có thể tìm đến và làm thủ tục xác minh sổ đỏ.

2. Công chứng viên công chứng sổ đỏ giả có vi phạm không?

Căn cứ tại Điểm c Khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 công chứng viên phải có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng.

Điều đó có nghĩ là công chứng viên cần phải xem xét tính hợp pháp của sổ đỏ nói riêng, giấy tờ khác nói chung là cách để thực hiện nghĩa vụ nói trên. Trường hợp công chứng viên không phát hiện sổ đỏ, giấy tờ khác là giả gây ra thiệt hại cho khách hàng thì có một phần lỗi của công chứng viên.

Ngoài ra, công chứng viên còn có những nghĩa vụ như sau:

– Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;

– Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;

– Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;

– Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

– Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;