PHÁP LUẬT – CÁC KHÁI NIỆM CẦN BIẾT

1. Pháp luật là gì?

Pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra (hoặc thừa nhận) có tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức và tính bặt buộc chung thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Các đặc trưng của pháp luật

Pháp luật có 03 đặc trưng cơ bản sau:

– Tính bắt buộc chung: Pháp luật do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước, là quy định bắt buộc với tất cả mọi cá nhân, tổ chức, ai cũng phải xử sự theo pháp luật, nếu không sẽ bị áp dụng những biện pháp cần thiết.

– Tính quy phạm phổ biến: Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

– Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức: Hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chứa các quy phạm pháp luật được xác định chặt chẽ về hình thức, văn phong diễn đạt phải chính xác. Cơ quan ban hành văn bản và hiệu lực của văn bản được quy định chặt chẽ trong Hiến pháp hoặc luật.

2. Các hình thức thực hiện pháp luật

Các hình thức thực hiện pháp luật bao gồm:

2.1. Sử dụng pháp luật

Sử dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép). Những quy phạm pháp luật quy định về các quyền và tự do dân chủ của công dân được thực hiện dưới hình thức này.

2.2. Tuân thủ pháp luật

Tuân thủ (tuân theo) pháp luật (xử sự thụ động) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế, không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Những quy phạm pháp luật cấm đoán được thực hiện ở hình thức này.

2.3. Thi hành pháp luật

Thi hành (chấp hành) pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực.

2.4. Áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.

3. Pháp luật có vai trò thế nào?

Nếu chỉ hiểu pháp luật là gì thôi thì chưa đủ, cần tìm hiểu rõ về vai trò của pháp luật. Theo đó, pháp luật là công cụ quan trọng và chủ yếu để Nhà nước thực hiện quản lý trật tự xã hội. Do đó, khi nói đến vai trò của pháp luật, cần đề cập đến vai trò đối với nhà nước và đối với xã hội.

3.1 Đối với nhà nước

– Pháp luật tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tồn tại của Nhà nước, bởi lẽ bất cứ một chính quyền nào được tạo nên đều phải đảm bảo tính hợp pháp, trong khi đó pháp luật chính là công cụ để đảm bảo sự hợp pháp đó.

– Pháp luật là công cụ kiểm soát quyền lực Nhà nước và được thể hiện thông qua việc pháp luật quy định về cách thức tổ chức, hoạt động của cơ quan nhà nước; quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm…

– Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Theo đó, với những đặc điểm của mình như tính quy phạm phổ biến, tính bắt buộc chung, tính cưỡng chế… pháp luật có khả năng được triển khai phổ biến, nhanh chóng, đồng bộ, có hiệu quả và rộng khắp trong phạm vi cả nước thông qua các chính sách phổ biến pháp luật. Qua đó, nhà nước đưa ra các chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… của đất nước….

3.2 Đối với xã hội

– Pháp luật có vai trò giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội. Bởi có thể thấy, trong xã hội việc phát sinh các mâu thuẫn là điều không tránh khỏi, khi các mâu thuẫn phát sinh, cần phải có căn cứ để các bên dựa vào đó để giải quyết các mâu thuẫn của mình. Và khi đó, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất.

 

Tham khảo: website Thư viện Pháp luật, Luật Việt Nam