Trách nhiệm Bộ Ngoại giao trong quản lý nhà nước về chứng thực

Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 26/2017/NĐ-CP quy định về vị trí và chức năng của Bộ Ngoại giao như sau:

Vị trí và chức năng

Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm:

  • Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam;
  • Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.

Về nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Bộ Ngoại giao thì anh tham khảo tại Điều 2 Nghị định 26/2017/NĐ-CP.

Căn cứ Đ42 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP 

Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong quản lý nhà nước về chứng thực

  1. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực đối với các Cơ quan đại diện, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra về công tác chứng thực tại các Cơ quan đại diện;

b) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự làm công tác chứng thực tại các Cơ quan đại diện;

c) Hằng năm, tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về chứng thực của các Cơ quan đại diện gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến chứng thực theo thẩm quyền.

Cơ quan đại diện thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực trong phạm vi địa bàn, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện các việc chứng thực thuộc thẩm quyền của Cơ quan đại diện theo quy định tại Nghị định này;

b) Lưu trữ sổ chứng thực, Văn bản chứng thực;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến chứng thực theo thẩm quyền;

d) Hằng năm, tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về chứng thực báo cáo Bộ Ngoại giao theo quy định.

Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao làm công tác chứng thực có trách nhiệm giúp Cơ quan đại diện thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điểm a, b và d Khoản 2 Điều này.

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về các vấn đề chính như sau:

– Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do Cục phụ trách hoặc theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

– Xây dựng chủ trương, chính sách và chương trình, kế hoạch công tác lãnh sự.

– Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

– Về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài.

– Về bảo hộ lãnh sự.

– Về hợp pháp hóa, chứng nhận lãnh sự, công chứng, chứng thực và ủy thác tư pháp.

– Về quản lý hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài.

– Về công tác liên quan đến vấn đề quốc tịch, hộ tịch.

– Về quản lý nghiệp vụ lãnh sự và hỗ trợ các Cơ quan đại diện, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan ngoại vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Về quản lý Cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

– Công tác thông tin, tin học và công tác nghiên cứu (thuộc phạm vi quản lý của Cục).

– Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh sự cho cán bộ của Bộ Ngoại giao chuẩn bị đi làm công tác lãnh sự ở nước ngoài và cán bộ làm công tác đối ngoại của các Bộ, ngành và Ngoại vụ địa phương.

– Tổ chức thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch và sự phân công của Bộ trưởng.