CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Căn cứ: Luật Lao Động Điều 8, 209,…

Trong lĩnh vực lao động, các hành vi sau đây bị pháp luật nghiêm cấm vì tính chất nghiêm trọng của nó gây ra:

  1. Phân biệt đối xử trong lao động.
  2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
  3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
  4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
  5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
  6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
  7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

*Đình công hay bãi công là sự kiện lao động ngừng lại vì rất nhiều công nhân từ chối tiếp tục làm việc. Cuộc đình công thường diễn ra vì các công nhân cảm thấy bất bình đối với điều kiện lao động, chế độ tiền lương… 

Đối với trường hợp này, pháp luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công:

  1. Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.
  2. Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.
  3. Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.
  4. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.
  5. Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.
  6. Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Những nơi sử dụng lao động không được đình công

  1. Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
  2. Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công quy định tại khoản 1 Điều này

Khi lao động vi phạm sẽ bị kỷ luật, với vấn đề này pháp luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

  1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
  2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
  3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:

a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;

b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác;

c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;

d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Ngoài ra còn có những hành vi khác bị nghiêm cấm:

  • Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
  1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
  2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
  • Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động
  1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
  2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
  3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.