THỦ TỤC CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP BẤT ĐỘNG SẢN

Phạm vi áp dụng

Thủ tục công chứng áp dụng cho các loại hợp đồng thế chấp bất động sản, hợp đồng ủy quyền, di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản 

Theo quy định tại Điều 54 Luật Công Chứng 2014 Công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản cần lưu ý

  • Việc công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản.
  • Trường hợp một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu. 

Nghĩa là địa điểm công chứng hợp đồng thế chấp cần được giữ không thay đổi trong suốt quá trình thế chấp bất động sản.

  • Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng hợp đồng thế chấp tiếp theo đó.

Nghĩa là bên cạnh địa điểm, công chứng viên phụ trách công chứng hợp đồng và lưu giữ hồ sơ cũng sẽ đảm nhiệm công chứng hợp đồng thế chấp tiếp theo đó.

Trình tự thực hiện

Theo đó, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất cụ thể như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người yêu cầu công chứng cần hoàn thiện hồ sơ và nộp trực tiếp tại phòng/văn phòng công chứng. Yêu cầu phòng/văn phòng công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà đất thế chấp.

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

– Nếu hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên tiếp nhận và chuyển sang bước sau.

– Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ, không hợp lệ thì công chứng viên tiếp nhận chịu trách nhiệm ghi phiếu hướng dẫn và yêu cầu bổ sung (phiếu hướng dẫn này cần ghi cụ thể các giấy tờ cần bổ sung).

– Nếu hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết thì công chứng viên có thể từ chối tiếp nhận hồ sơ với lời giải thích lý do hợp lý đi kèm.

Bước 3: Soạn thảo và ký hợp đồng

Soạn thảo hợp đồng

– Trường hợp hợp đồng công chứng đã được người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn thì công chứng viên sẽ kiểm tra dự thảo hợp đồng.

Trong dự thảo hợp đồng cần ghi đầy đủ các điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Nếu nội dung của văn bản không phù hợp thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa đổi.

Nếu người yêu cầu công chứng không sửa đổi thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

– Nếu người yêu cầu công chứng không chuẩn bị dự thảo hợp đồng và đề nghị công chứng viên soạn thảo thì công chứng viên soạn thảo theo thỏa thuận của các bên.

Soát thông tin và ký

– Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.

Trường hợp người yêu cầu công chứng có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung.

– Khi người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong dự thảo hợp đồng, công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của hợp đồng.

Bước 4: Ký chứng nhận

Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng.

Bước 5: Trả kết quả

Bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng hoàn tất việc thu phí, thù lao công chứng và chi phí khác theo quy định, đóng dấu và hoàn trả lại hồ sơ cho người yêu cầu công chứng.

Điều kiện kinh doanh bất động sản năm 2022

Nghĩa vụ

Căn cứ theo Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015, nghĩa vụ của bên thế chấp được quy định cụ thể như sau:

Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp

  1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.
  3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
  1. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  2. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.
  3. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
  4. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.
  5. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

 

Tham khảo: Luật Công chứng 2014, Luật Dân sự 2015