CÔNG CHỨNG – KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM

Hoạt động công chứng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với hầu hết các nghề nghiệp, thủ tục đều cần các giấy tờ được công chứng, chứng thực. 

Việc công chứng giấy tờ không chỉ là thủ tục hành chính mang tính hình thức mà còn đóng vai trò xác thực dữ liệu thông tin được cung cấp là chân thật, chính xác đồng thời xác nhận hồ sơ pháp lý và hợp đồng của công dân với nhà nước và với các tổ chức pháp nhân khác bên ngoài. Hoạt động giao dịch, buôn bán, ký kết hợp đồng ngày càng diễn ra rộng khắp kéo theo đó tầm quan trọng của việc được đảm bảo an ninh, an toàn và xác thực dữ liệu. 

Chính vì vậy công chứng, chứng thực là hoạt động pháp lý tối quan trọng cần được lưu ý. 

CÔNG CHỨNG LÀ:

  • Về khái niệm:

Theo quy định đầy đủ tại Điều 2 Luật công chứng 2014, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Tóm lại Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:

– Tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản.

– Tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. 

Theo Viện Sĩ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện bàn về Quá trình hình thành và phát triển hệ thống công chứng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp có nói về công chứng như sau:

“Công chứng là dịch vụ bổ trợ tư pháp (auxiliaire de justice) được người Pháp đưa vào Việt Nam cuối thế kỷ XIX dưới tên gọi là dịch vụ chưởng khế (service de notaire). Tổ chức và hoạt động công chứng trong thời kỳ Pháp thuộc được triển khai theo mô hình Pháp: công chứng viên đảm nhận chức năng giúp cho các giao dịch dân sự có được tính công chính (authenticité), bao gồm tính xác thực về ngày xác lập giao dịch, tính xác thực và hợp pháp về nội dung. Với các tính chất đó, văn bản công chứng (gọi là công chính chứng thư – acte authentique) có giá trị chứng cứ vượt trội (preuve par excellence) và đặc biệt là có hiệu lực bắt buộc thi hành như bản án của toà án. Sự khác biệt đáng chú ý giữa công chứng Việt Nam thời đó và công chứng của Pháp liên quan đến tổ chức văn phòng công chứng và thân phận pháp lý của công chứng viên: trong khi ở Pháp, công chứng viên là người hành nghề tư và văn phòng công chứng là một công ty dân sự (société civile), thì công chứng viên người Pháp ở Việt Nam là công chức của chính quyền thuộc địa và văn phòng công chứng là cơ quan nhà nước.

Sau khi chấm dứt chế độ thực dân và trong thời gian đất nước bị chia cắt, hoạt động công chứng theo mô hình Pháp được duy trì ở miền Nam. Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn vào năm 1975 và việc áp dụng chế độ kinh tế theo mô hình Xô Viết khiến cho tổ chức công chứng theo kiểu Pháp không có đất sống và bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu áp dụng chính sách đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI, việc xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ công chứng nhanh chóng được nhìn nhận là bức thiết như là biện pháp góp phần bảo đảm sự an toàn cho giao dịch dân sự và thương mại. Các nỗ lực xây dựng hệ thống công chứng nhằm phục phát triển “nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần” được bắt đầu từ Bộ Tư pháp thông qua việc xây dựng và ban hành Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987.”

Phát triển trở về thời hiện đại có thể khái quát hoạt động công chứng về đặc điểm có

  • Đặc điểm:

– Là việc chứng nhận các hợp đồng, xác lập các hợp đồng giao dịch (đây là nội dung giúp phân biệt công chứng với các hoạt động hành chính khác).

– Có giá trị chứng cứ, giá trị thực hiện sau khi nội dung trong giấy tờ hồ sơ được công chứng viên xác nhận là có tính hợp pháp.

–  Nằm dưới sự quản lý của nhà nước 

– Phạm vi công chứng là những giao dịch, hợp đồng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức mà không trái với quy định của pháp luật hoặc các hợp đồng bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật.

  • Thẩm quyền pháp lý thực hiện công chứng:

Về thẩm quyền, công chứng được thực hiện bởi: Cơ quan Bổ trợ Tư pháp, Phòng công chứng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Văn phòng công chứng do 2 công chứng viên hợp danh trở lên thành lập theo loại hình tổ chức của công ty hợp danh, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.   

Tóm lại, các đơn vị cơ bản thực hiện công chứng là:

– Công Chứng Viên

– Tổ chức hành nghề công chứng: Phòng công chứng, Văn phòng công chứng. 

Bên cạnh đó, một số giấy tờ còn cần chứng thực bởi

– Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các văn phòng công chứng tại thành phố Hồ Chí Minh - Vntrip.vn

  • Giá trị pháp lý:

Giá trị pháp lý của văn bản hồ sơ công chứng 

  • Về giá trị pháp lý, đối với Công chứng: Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng, hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. 
  • Hơn nữa, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. 
  • Bên cạnh đó, hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu. 
  • Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.
  • Cơ sở căn cứ luật định: Luật công chứng 2014

Tham khảo: Website thuvienphapluat, Luật công chứng 2014, website Nghiên cứu lập pháp. Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu.