QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC TRẦN THÙ LAO CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

  • Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
  • Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
  • Căn cứ Luật công chứng ngày 20 tháng 6 năm 2014;
  • Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1134/TTr-STP ngày 10 tháng 3 năm 2016,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức trần thù lao công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, các tổ chức hành nghề công chứng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

MỨC TRẦN THÙ LAO CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định mức trần áp dụng đối với việc thu thù lao công chứng do các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Thành phố) thực hiện theo Khoản 1, Điều 67 Luật công chứng, gồm:

– Soạn thảo hợp đồng, giao dịch.

– Đánh máy, in ấn.

– Sao chụp.

– Dịch giấy tờ, văn bản.

– Các việc khác liên quan đến việc công chứng.

Phí công chứng và chi phí khác trong hoạt động công chứng được thực hiện theo quy định pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với các đối tượng sau:

  1. Tổ chức hành nghề công chứng và người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố;
  2. Các tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng trên địa bàn Thành phố.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

Người yêu cầu công chứng trả thù lao công chứng cho tổ chức hành nghề công chứng khi được cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng, giao dịch; đánh máy; in ấn; sao chụp; dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.

Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao công chứng để thu trên cơ sở mức trần thù lao công chứng được quy định tại Quy định này.

Việc xác định thù lao đối với các việc công chứng như sau:

  • Đối với việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch: mức trần thù lao công chứng được xác định căn cứ trên tính chất đơn giản hoặc phức tạp của việc soạn thảo. Việc soạn thảo được xác định phức tạp khi có một trong các yếu tố: có từ 3 bên tham gia trở lên; giao dịch đối với nhiều tài sản (từ 3 tài sản trở lên), phát sinh thừa kế thế vị hoặc phát sinh thêm việc thừa kế; nội dung thỏa thuận không theo những mẫu có sẵn; hợp đồng, giao dịch ít phổ biến (như các hợp đồng về kinh doanh thương mại; hợp đồng, giao dịch có yếu tố nước ngoài); phải có người làm chứng, người phiên dịch; cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc hành chính theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng (trừ trường hợp thực hiện công việc dịch thuật) và các hợp đồng, giao dịch khác được công chứng viên và người yêu cầu công chứng đồng ý là phức tạp. Trường hợp không có những yếu tố nêu trên thì được xác định là đơn giản. Mức trần thù lao này bao gồm cả thù lao phân tích hồ sơ, tư vấn, kiểm tra và đánh giá thông tin trong hồ sơ, hao tốn về chi phí hành chính (như khu hao máy móc, thiết bị, tiền điện, bàn ghế,…) và bao gồm cả việc soạn thảo thông báo về việc thụ lý hồ sơ thỏa thuận khai nhận, phân chia di sản để niêm yết ở địa phương.
  • Đối với việc đánh máy, in ấn hợp đồng, giao dịch: mức trần thù lao bao gồm cả việc in ấn đủ số lượng bản cần thiết để thực hiện việc công chứng và được tính theo số lượng trang đánh máy, in ấn.
  • Đối với việc sao lục hồ sơ lưu trữ: mức trần thù lao bao gồm cả việc tìm kiếm, trích xuất hồ sơ lưu trữ, sao chụp hồ sơ lưu trữ.
  • Đối với việc ký ngoài trụ sở, niêm yết hồ sơ khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản: mức trần thù lao không bao gồm chi phí ăn, ở và phương tiện đi lại (nếu có) của công chứng viên (các chphí này được thực hiện theo quy định của Luật công chứng về chi phí khác).
  • Đối với việc dịch: mức trần thù lao dịch bao gồm cả thù lao cho việc đánh máy, in ấn bản dịch.

Đơn vị tính thù lao là số trang, bản tài liệu, văn bản cần dịch (tính theo trang A4, trong đó, nội dung trang có thể bao gồm từ ngữ, hình ảnh, ký hiệu). Một trang văn bản cần dịch có số từ tối đa là 350 từ, đối với trang văn bản cần dịch là từ tiếng Việt thì số từ tối đa là 450 từ.

Đối với những trường hợp dịch giấy tờ văn bản có nhiều trang mà các trang có những nội dung tương tự nhau (như hộ khẩu, học bạ,...) thì mức thù lao dịch đối với trang thứ hai (02) trở đi được xác định không quá sáu mươi phần trăm (60%) mức thu đối với trang đầu tiên, trừ các loại giấy tờ, văn bản có từ, chữ mang tính chuyên ngành, kỹ thuật.

Đối với giấy tờ, văn bản có nhiều trang, thì từ trang thứ mười (10) trở đi sẽ tính bằng tám mươi phần trăm (80%) mức thu.

Đối với trường hợp dịch chưa tới một phần hai (1/2) trang, mức thu được tính bằng một phần hai (1/2) mức thu nêu trên; hơn một phần hai (1/2) trang nhưng chưa đủ một trang, mức thu được tính bằng một trang.

Trong trường hợp người yêu cầu dịch xuất trình bản tự dịch thì mức trần thù lao hiệu đính bản dịch sẽ được tính bằng năm mươi phần trăm (50%) mức thù lao dịch thuật cho loại giấy tờ tương ứng.

  1. Mức trần thù lao đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Điều 4. Mức trần thù lao công chứng

Mức trần thù lao công chứng được quy định như sau:

STT Loại việc Mức trần thù lao
1. Soạn thảo hợp đồng, giao dịch Đơn giản
(đồng/ trường hợp)
Phức tạp
(đồng/ trường hợp)
a) Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, đặt cọc chuyển nhượng tài sản 70.000 300.000
b) Hợp đồng hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, thanh lý hợp đồng, giao dịch 50.000 200.000
c) Hợp đồng ủy quyền, thuê, mượn, đồng vay mượn tài sản, thế chấp tài sản giữa cá nhân, tổ chức với nhau (không có tổ chức tín dụng tham gia) 70.000 300.000
d) Văn bản liên quan đến hôn nhân và gia đình (phân chia tài sản chung, nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung, văn bản về chế độ tài sản theo thỏa thuận,…) 70.000 250.000
đ) Di chúc 70.000 300.000
e) Văn bản khai nhận di sản, phân chia di sản thừa kế 140.000 450.000
g) Giấy ủy quyền, văn bản từ chối nhận di sản 50.000 200.000
h) Hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư kinh doanh, góp vốn, hợp tác kinh doanh 100.000 đồng/trang
i) Soạn thảo các hợp đồng, giao dịch khác 80.000 350.000
2. Đánh máy, in ấn hợp đồng, giao dịch 15.000 đồng/trang
3. Công việc dịch thuật văn bản
a) Dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (đồng/trang)
Tiếng Anh, Hoa 120.000
Tiếng Nga, Pháp 130.000
Tiếng Hàn, Nhật, Đức 140.000
Tiếng các nước khác 150.000
b) Dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (đồng/trang)
Tiếng Anh, Hoa 150.000
Tiếng Nga, Pháp 160.000
Tiếng Hàn, Nhật, Đức 170.000
Tiếng các nước khác 180.000
c) Trường hợp yêu cầu làm thêm bản dịch thứ hai 5.000 đồng/trang nhưng không quá 50.000 đồng/ bản dịch
4. Phiên dịch trực tiếp cho người không biết tiếng Việt khi tham gia hợp đồng, giao dịch
a) Thứ tiếng thông dụng 200.000 đồng/30 phút/ vụ việc, nhưng không quá 2.500.000 đồng/vụ việc
b) Thứ tiếng không thông dụng 250.000 đồng/30 phút/ vụ việc, nhưng không quá 3.000.000 đồng/vụ việc
5. Sao chụp giấy tờ, tài liệu 1.000 đồng/tờ A4
6. Cung cấp biểu mẫu hợp đồng giao dịch 2.000 đồng/mẫu
7. Sao lục hồ sơ lưu trữ 50.000 đồng/văn bản công chứng
8. Niêm yết hồ sơ khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản
a) Dưới 5 km (cách trụ sở tổ chức hành nghề) 250.000 đồng/1 lần
b) Từ 5 km trở lên (cách trụ sở tổ chức hành nghề) 250.000 đồng + 15.000 đồng/1 km vượt quá km thứ 5, nhưng không quá 600.000 đồng/1 lần
9. Công việc ký ngoài trụ sở (bao gồm cả việc tham gia đu giá bất động sản)
a) Trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh:
Dưới 5 km (cách trụ sở tổ chức hành nghề) 500.000 đồng/1 lần
Từ 5 km trở lên (cách trụ sở tổ chức hành nghề) 500.000 đồng+ 30.000 đồng/1 km vượt quá km thứ 5, nhưng không quá 1.200.000 đồng/1 lần
b) Ngoài phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh:
Đi và về trong buổi làm việc 1.500.000 đồng/1 lần
Đi và về trong ngày làm việc 2.000.000 đồng/1 lần
Đi và về không trong ngày làm việc 2.500.000 đồng/1 lần
10. Các công việc khác
a) Công việc đơn giản 400.000 đồng/công việc
b) Công việc phức tạp 1.000.000 đồng/công việc

Điều 5. Tổ chức thực hiện

  1. Trong vòng 20 ngày, kể từ ngày Quy định này có hiệu lực, các tổ chức hành nghề công chứng tự điều chỉnh và xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt mức trần quy định tại Điều 3 và Điều 4 Quy định này, phải niêm yết công khai tại trụ sở và báo cáo Sở Tư pháp để quản lý. Sau thời hạn nêu trên, các tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
  2. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm quản lý, sử dụng thù lao công chứng theo quy định; thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước về khoản thu thù lao công chứng; lập hóa đơn tài chính cho đối tượng nộp thù lao công chứng theo quy định pháp luật.
  3. Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức hành nghề công chứng trong việc thu các khoản thù lao công chứng và xử lý nghiêm khi có hành vi vi phạm theo quy định. Trường hợp phát hiện tổ chức hành nghề công chứng thu cao hơn mức trần thù lao quy định tại Quy định này, phải có trách nhiệm xử lý, buộc các tổ chức hành nghề công chứng trả lại số tiền đã thu vượt đồng thời công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục Thuế và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh thì kịp thời phản ánh cho Sở Tư pháp để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và kịp thời./.