THỦ TỤC CHỨNG THỰC BẢN PHOTO HỘ CHIẾU

Bản photo chứng thực có được xem là bản sao không?

Căn cứ tại Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, bản sao là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

Đồng thời cũng tại Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao như sau:

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao

  1. Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
  2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

Theo đó, có thể hiểu bản sao không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (chứng thực).

Bản sao có thể chia thành 03 loại: Bản photo từ bản chính, bản sao chứng thực và bản sao được cấp từ sổ gốc.

Điều này cũng có thể hiểu rằng ngoài bản chụp bằng điện thoại, máy ảnh; bản đánh máy… bản photo từ bản chính (chưa chứng thực) cũng được coi là bản sao.

 

Chứng thực bản photo hộ chiếu như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về nội dung này như sau:

Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính

  1. Người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực.

Trong trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.

  1. Trường hợp người yêu cầu chứng thực chỉ xuất trình bản chính thì cơ quan, tổ chức tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức không có phương tiện để chụp.
  2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao, nếu nội dung bản sao đúng với bản chính, bản chính giấy tờ, văn bản không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 22 của Nghị định này thì thực hiện chứng thực như sau:
  3. a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính theo mẫu quy định;
  4. b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với bản sao có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Mỗi bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản hoặc nhiều bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản trong cùng một thời điểm được ghi một số chứng thực.

Như vậy, khi đến chứng thực, thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính gồm các bước sau:

Bước 1: Người có thẩm quyền chứng thực của các tổ chức, cơ quan kiểm tra, đối chiếu hoặc thực hiện sao chụp, photo bản chính để xác định nội dung bản sao và nội dung bản chính là trùng khớp với nhau.

Bước 2: Người có thẩm quyền chứng thực ký tên, đóng dấu, ghi số chứng thực vào bản sao và sổ chứng thực.

Bước 3: Trả lại bản chính cùng bản sao hộ chiếu đã chứng thực cho người yêu cầu và thực hiện việc thu lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính hộ chiếu.

Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về nơi thực hiện chứng thực hộ chiếu:

– Phòng Tư pháp cấp huyện (gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).

– Uỷ ban nhân dân cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn).

– Cơ quan đại diện (gồm Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài).

– Tổ chức hành nghề công chứng (gồm hai tổ chức là phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng).

 

Nguồn: Thư viện Pháp luật, Luật Việt Nam